HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
QUY ĐỊNH
VỀ THỦ TỤC HÔN PHỐI
ÁP DỤNG CHO TOÀN GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM
Để giúp các mục tử và các đôi bạn chu toàn thủ tục hôn phối theo giáo luật và phù hợp với thực tế, trong Hội nghị kỳ 1/2024 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vĩnh Long, Hội đồng Giám mục Việt Nam ban hành quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn Giáo Hội tại Việt Nam:
I. Năng quyền chứng hôn và ủy quyền chứng hôn
Điều 1
Đấng Bản quyền địa phương và cha sở, do chức vụ, có năng quyền chứng hôn
thành sự trong giới hạn địa hạt của mình.
Muốn chứng hôn ngoài địa hạt của mình, cần phải được sự ủy quyền của cha
sở nơi mà đôi bạn có ý định xin cử hành.
Điều 2
Việc uỷ nhiệm năng quyền chứng hôn, để hữu hiệu, phải được minh nhiên
ban cho những người nhất định. Nếu là uỷ quyền riêng biệt, thì phải xác định rõ
đôi hôn nhân nào; còn nếu là uỷ quyền tổng quát, thì phải ban bằng văn bản mới
hiệu lực.
II. Quyền
chứng hôn và nhiệm vụ chứng hôn của cha sở
Điều 3
Để cha sở chứng hôn hợp luật, phải có ít là một trong đôi bạn đã cư
ngụ trong giáo xứ của mình được một tháng. Nếu không, cha sở phải xin phép Đấng
Bản quyền riêng hoặc cha sở riêng của một trong đôi bạn. Trong trường hợp này,
Đấng Bản quyền riêng hoặc cha sở riêng chỉ “cho phép” chứ không “ủy quyền”.
Điều 4
Khi một trong đôi bạn xin được kết hôn trong giáo xứ mà người ấy có cư sở
hay thường trú, cha sở buộc phải chứng hôn cho họ, không được từ chối, vì chứng
hôn là một trong những nhiệm vụ được ủy thác đặc biệt cho cha sở.
Khi một người xin kết hôn trong giáo xứ nơi họ không có cư sở, chỉ có
bán cư sở hoặc chỉ mới cư ngụ được một tháng, cha sở nên chấp nhận chứng hôn
cho họ.
Để chứng hôn cho người không có cư sở hay bán cư sở ở bất cứ nơi nào, cần
phải có phép của Đấng Bản quyền địa phương nơi cử hành kết hôn.
Điều 5
Cư sở hay bán cư sở của giáo dân không tùy thuộc vào sự đăng ký – nhập
vào một giáo xứ, nhưng tùy thuộc “ý định” hoặc “thời gian” cư ngụ của họ. Việc
không đăng ký vào giáo xứ hoặc việc vắng mặt quá lâu khỏi giáo xứ không phải là
lý do để cha sở phủ nhận việc thủ đắc cư sở hoặc từ chối nghĩa vụ chứng hôn.
III. Nhiệm
vụ thiết lập hồ sơ, điều tra, rao báo
Điều 6
Cha sở nơi cử hành chứng hôn có nhiệm vụ thiết lập hồ sơ và điều tra hôn
phối.
Trong trường hợp bất khả kháng, cha sở có thể nhờ một linh mục có khả năng
thực hiện giúp, có thể là cha sở của bên nam hoặc bên nữ, hoặc nơi mà một trong
đôi bạn đã cư ngụ được một tháng.
Điều 7
Khi cả đôi bạn đều có cư sở ở nước ngoài nhưng muốn kết hôn tại Việt
Nam, cha sở tại Việt Nam có thể áp dụng như sau:
– Hoặc cha chấp nhận đảm nhận chứng hôn cho họ và chu toàn tất cả
các quy định về thủ tục hôn phối.
– Hoặc cha yêu cầu họ xin một cha sở của một bên ở nước ngoài đảm
nhận chu toàn các quy định về thủ tục hôn phối, và gửi lại cho cha giấy xác nhận
là không có gì cản trở (nihil obstat) cho việc kết hôn thành sự và hợp luật.
IV. Giới
thiệu kết hôn
Điều 8
Khi tín hữu thuộc giáo xứ mình cử hành kết hôn ở một giáo xứ khác, cha sở
có nghĩa vụ cấp giấy giới thiệu, trong đó chỉ ra những nơi mà người đó đã cư ngụ,
và cấp chứng thư Rửa tội và Thêm sức.
Nếu không thể tìm thấy trong sổ hoặc có được chứng thư Rửa tội hay Thêm
sức, cha sở có thể chứng nhận dựa theo lời tuyên bố của một nhân chứng đáng tin
cậy hay lời thề của chính người đã được rửa tội, nếu họ đã lãnh nhận bí tích Rửa
tội ở tuổi thành niên.
Trong trường hợp cha sở không cấp giấy giới thiệu, cha sở nơi chứng hôn
vẫn có quyền chứng hôn, miễn là chu toàn tất cả các quy định về thủ tục hôn phối.
V. “Điều
tra sơ khởi” đối với người ngoài Công giáo
Điều 9
Trước khi đảm nhận việc chứng hôn cho một trong đôi bạn là người ngoài
Công giáo, cha sở nơi chứng hôn sẽ xin cha sở nơi người ấy thường trú giúp “điều
tra sơ khởi” về tình trạng thong dong của người sắp kết hôn.
Nếu thấy đôi bạn có thể tiến tới kết hôn thành sự và hợp luật, cha sở
nơi chứng hôn thiết lập hồ sơ và gởi giấy rao tới cha sở giáo xứ nơi người
ngoài Công giáo đó thường trú.
Điều 10
Cha sở xin giúp điều tra cần phải gởi bản “đơn xin cử hành hôn nhân” của
đôi bạn với các thông tin cần thiết cho cha sở nơi người ngoài Công giáo thường
trú.
Nếu không biết người ngoài Công giáo đó thường trú thuộc giáo xứ nào,
thì liên hệ với Tòa Giám mục của giáo phận đó.
VI. Trường
hợp kết hôn với người ngoại quốc
Điều 11
Để chấp nhận chứng hôn có yếu tố người nước ngoài, ngoài các yêu cầu về
giáo luật, hồ sơ cần có những giấy pháp lý như sau:
1° Giấy do cơ quan chính quyền cấp chưa quá sáu tháng,
xác nhận tình trạng chưa có kết hôn, hoặc đã kết hôn nhưng người phối ngẫu đã
qua đời.
2° Giấy đăng ký kết hôn nơi cơ quan chính quyền, hoặc
của Việt Nam hoặc của nước ngoài.
3° Trong trường hợp có hoài nghi, cha sở nơi chứng
hôn yêu cầu đôi bạn xin giấy chứng nhận của linh mục đang làm việc mục vụ tại
nơi họ ở.
VII. Rao
hôn phối
Điều 12
§1. Việc điều tra hôn phối thông thường được thực hiện bằng
cách rao hôn phối tại nhà thờ vào ba thánh lễ Chúa nhật liên tiếp. Cha sở có
quyền chuẩn rao một Chúa nhật, cha quản hạt có quyền chuẩn rao hai Chúa nhật,
và Bản quyền địa phương có quyền chuẩn rao ba Chúa nhật.
§2. Đối với trường hợp thành sự hóa hay hợp thức hóa
hôn phối cho những đôi bạn đã và đang muốn tiếp tục chung sống vợ chồng chung
thủy, cha sở có thể tùy nghi cho miễn rao.
Điều 13
§1. Cha sở nào có nhiệm vụ hoặc đảm nhận việc thiết lập hồ
sơ, phải lập tờ rao và gởi đi các nơi liên quan để nhờ rao, kể cả cha sở của
nơi người ngoài Công giáo cư trú, hoặc nơi một bên đã cư ngụ trong một thời
gian khá lâu (trên 1 năm).
Việc rao có thể thực hiện sớm, trước khi đôi bạn hội đủ những điều kiện
khác, như học giáo lý, đăng ký kết hôn dân sự…
§2. Khi nhận tờ xin rao hôn phối, cha sở có bổn phận
phải rao và báo kết quả rao sớm hết sức, mặc dù không có ai trong đôi bạn thuộc
quyền mình.
Điều 14
Trong trường hợp không nhận được kết quả rao vì một lý do nào đó, cha sở
nơi chứng hôn vẫn có quyền cho cử hành kết hôn, miễn là đã điều tra và thấy chắc
chắn không có ngăn trở.
Điều 15
Trong trường hợp không thể chứng minh tình trạng thong dong của một người
bằng những giấy tờ pháp lý, hoặc có giấy tờ pháp lý mà còn có hồ nghi, cha sở
có thể khôn ngoan điều tra riêng, qua thân nhân của người sắp kết hôn, hoặc hai
nhân chứng đáng tin.
VIII. Giáo
lý hôn nhân
Điều 16
§1. Trước khi kết hôn, đôi bạn buộc phải học giáo lý hôn
nhân. Việc học giáo lý có thể thực hiện ở bất cứ giáo xứ nào, hoặc tại một cơ sở
được Đấng Bản quyền chuẩn nhận.
§2. Chỉ có cha sở hoặc cơ sở được chuẩn nhận mới có
quyền cấp chứng chỉ giáo lý hôn nhân.
§3. Các chứng chỉ giáo lý hôn nhân này được công nhận
trong toàn Giáo Hội tại Việt Nam và có giá trị vô thời hạn.
Điều 17
Cha sở nơi dạy giáo lý hôn nhân hoặc giáo lý dự tòng, có thể đón nhận học
viên, mặc dù không có giấy giới thiệu của cha sở nơi học viên có cư sở hoặc thường
trú. Tuy nhiên, vì liên đới trách nhiệm, cha sở nơi dạy giáo lý nên yêu cầu học
viên xin giấy giới thiệu của cha sở nơi người ấy thường trú.
Trong trường hợp bất khả kháng không thể xin giấy giới thiệu, cha sở nơi
dạy giáo lý có bổn phận đón nhận học viên, sau đó gởi giấy cho cha sở riêng của
đương sự để kính tường hoặc nhờ điều tra.
Điều 18
Thời gian khóa giáo lý hôn nhân kéo dài từ một đến ba tháng. Có thể rút
ngắn nhưng vẫn bảo đảm những điều căn bản.
IX. Giáo
lý dự tòng
Điều 19
Trong trường hợp học giáo lý dự tòng để kết hôn, thời gian dự tòng nên
là sáu tháng, ít nhất là ba tháng.
Vì tôn trọng quyền tự do tôn giáo, chỉ nên khuyên chứ không được ép buộc
người ngoài Công giáo theo đạo như là điều kiện để kết hôn. Nếu đương sự muốn,
nên chấp nhận cho kết hôn với chuẩn khác đạo.
X. Thẩm
quyền miễn chuẩn – cấm kết hôn
Điều 20
Đấng Bản quyền địa phương có quyền miễn chuẩn, bất kể hôn nhân được cử
hành trong giáo phận mình hay giáo phận khác, cho những người thuộc quyền mình
đang ở bất cứ nơi nào, và mọi người, Công giáo hay không Công giáo, đang cư ngụ
trong địa hạt mình.
Để thuận tiện, cha sở nơi cử hành hôn phối, khi thiết lập hồ sơ và điều
tra, nên giúp đôi bạn xin Đấng Bản quyền của mình chuẩn các ngăn trở hôn phối
mà Tông Toà không dành riêng cho mình.
Nếu việc kết hôn được cử hành ở một giáo xứ thứ ba nhưng việc thiết lập
hồ sơ và điều tra lại được thực hiện bởi cha sở của một trong đôi bạn, thì nên
xin Đấng Bản quyền của một trong đôi bạn chuẩn ngăn trở hôn phối.
Điều 21
Cha sở không có quyền cấm kết hôn, cũng không được phép đặt thêm quy định
có giá trị như những luật cấm hay hạn chế việc kết hôn.
Việc không chu toàn các nghĩa vụ trong giáo xứ không được coi như những
lý do để từ chối việc ban các bí tích cho những người xin lãnh nhận cách thích
đáng.
XI. Theo
đạo Công giáo sau kết hôn
Điều 22
§1. Giáo Hội công nhận giá trị của hôn nhân đã được cử
hành bởi một thể thức “công” theo luật hay tục lệ của người ngoài Công giáo,
cũng quen gọi là hôn nhân tự nhiên, nghĩa là công nhận hôn nhân đó thành sự.
§2. Một khi hôn nhân đã thành sự, đã trở nên vợ chồng
thì không được cử hành hôn nhân lần thứ hai trong đạo Công giáo. Vì vậy, khi một
hoặc cả hai người trong đôi ban, đã kết hôn thành sự theo thể thức ngoài Công
giáo, nay xin được thâu nhận vào thông công đầy đủ với Giáo Hội Công giáo hoặc
xin được rửa tội, thì không được cử hành kết hôn lại.
§3. Nếu chỉ một người trong đôi bạn người lương ấy
theo đạo, họ không phải xin chuẩn hôn nhân khác đạo. Nếu cả hai người trong hôn
nhân đó được rửa tội, hôn nhân của họ tự động được nâng lên phẩm giá bí tích.
XII. Ghi
sổ – Sổ sách
Điều 23
§1. Cha sở nơi cử hành hôn phối buộc phải gửi giấy chứng
nhận hôn phối cho các cha sở của nơi mà đôi bạn đã được rửa tội, để các ngài
ghi chú vào sổ rửa tội, cho dù họ không còn có cư sở ở đó nữa.
Cũng cần gởi cho cha sở nơi đôi bạn có cư sở những chứng thư hoặc chứng
nhận cần thiết về bí tích, để ngài lập sổ Gia đình Công giáo.
§2. Các chứng nhận bí tích của Kitô hữu, cách riêng
là bí tích Hôn phối, cho dù là sổ hay chứng nhận, luôn phải có chữ ký, ngày
tháng và nơi lãnh nhận bí tích Rửa tội.
Điều 24
Việc cấp số Gia đình Công giáo thuộc nhiệm vụ và thẩm quyền của cha sở;
không tùy thuộc vào việc đã nhập xứ hay đang tạm trú, hoặc có hay không đóng
góp cho giáo xứ.
Điều 25
§1. Các hồ sơ hôn nhân: chứng thư, giấy giới thiệu,
giấy rao, kết quả rao,… được phép gởi qua các phương tiện kỹ thuật số với các bản scan màu hoặc bản chụp ảnh, miễn là được làm một
cách đúng đắn, rõ ràng.
§2. Phải được gửi trực tiếp từ văn phòng giáo xứ/giáo
phận này đến văn phòng giáo xứ/giáo phận kia.
§3. Khi có hồ nghi về sự giả dối, liên lạc với những
người có thẩm quyền của đương sự.
Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vĩnh Long, ngày 17 tháng 04 năm 2024
(đã ấn ký)
+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng Giám mục TGP Sài Gòn – Tp HCM
Chủ tịch HĐGM Việt Nam
Nguồn: https://hdgmvietnam.com
0 Nhận xét