Tất cả những người đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy đều được mời gọi trở nên thánh: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48) Như vậy, để đáp lại lời mời gọi của Đức Giê-su, chúng ta là người Ky-tô hữu cần phải không ngừng học tập, cố gắng phấn đấu, rèn luyện sống các nhân đức. Có hai nhân đức chính: Là nhân đức tự nhiên và nhân đức siêu nhiên: Nhân đức siêu nhiên hướng về Thiên Chúa: Thể hiện niềm tin, lòng cậy trông và lòng yêu mến. Kế đến là các nhân đức tự nhiên, trong đó con người sẽ thực hiện cho chính mình và cho tha nhân những đức tính như: Tình bác ái, sự khiêm tốn, lòng trung thực, tính hiền hoà, dũng cảm, nhẫn nhục, tiết độ, trong sạch…Để sống được các mối nhân đức trên, trong đời sống hằng ngày, chúng ta phải thực hiện cách tốt đẹp sự liên hệ, liên kết giữa con người với nhau và từ chúng ta hướng về Thiên Chúa.
Trước hết, về phần Thiên Chúa, Ngài đã thực hiện cho nhân loại một mối tình rất đậm sâu của một Người Cha đối với con cái mình. Người Cha ấy luôn yêu thương, trung tín, chậm giận và hay thứ tha. Tóm lại Thiên Chúa đã đi bước trước là dành cho con người một tình yêu vô cùng và Ngài chỉ mong muốn con cái đáp lại ân tình đó của Ngài bằng một tấm lòng thờ kính, hiếu thảo và luôn biết sám hối, canh tân.
Hằng ngày, mỗi khi chúng ta nâng tâm hồn mình lên hướng về Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta được phép gọi Ngài là Cha, với tâm tình ca tụng, cảm tạ và cầu xin. Việc làm đó sẽ được thực hiện một cách sống động, thiết thực và cụ thể khi chúng ta tham dự thánh lễ, trong đó qua vị Chủ tế chúng ta dâng lên Chúa Cha lễ tế Đức Giê-su dâng mình trên thập giá làm của lễ cứu chuộc nhân loại. Cũng trong thánh lễ chúng ta được nghe Chúa nói qua bài đọc Sách Thánh và Tin Mừng, đồng thời bằng việc tiếp thu những lời vị Chủ tế chia sẻ. Bên cạnh đó, với tâm hồn trong sạch chúng ta còn được đón rước Thánh Thể Chúa vào lòng.
Ngoài ra, khi chúng ta đọc kinh, nguyện ngắm, cầu khẩn cùng Đức Mẹ, các Thiên Thần và các vị Thánh để nhờ các Ngài cầu thay nguyện giúp lên Thiên Chúa cho chúng ta được những ơn lành hồn xác, thì đó chính là lúc chúng ta thể hiện lòng kính mến, ngưỡng mộ và liên kết cùng các Ngài.
Trong thâm tâm của mỗi con người, ai cũng vậy, luôn mong muốn mình được mọi người tôn trọng, yêu thương và quan tâm. Điều mong muốn này thật là chính đáng. Do bởi vì là điều chính đáng nên nó phải được mọi người trân trọng và ra sức thực hiện. Sở dĩ nói: Con người phải được tôn trọng, yêu mến và quan tâm vì những lẽ sau: Mọi người đều mang hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1, 26-27), hay nói cách khác, mỗi người chúng ta là hiện thân của Đức Giê-su (x. Mt 25,40); lại nữa như lời thánh Phao lô đã quả quyết: “Anh em lại không biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần sao?” (1 Cr 6,19) Như vậy, Thánh Thần Chúa đang hiện diện trong mỗi chúng ta và dĩ nhiên, thân xác chúng ta phải là Đền Thờ để Ngài ngự. Ý thức được như vậy nên chúng ta cần phải tự trọng, giữ gìn thân xác mình cho xứng đáng là Đền Thờ của Ngài, đồng thời không thể không tôn trọng, không yêu quý và không quan tâm đến anh em. Thực hiện được các điều nêu trên là chúng ta đã xây dựng được mối giao hảo, mối tương quan rất tốt đẹp đối với Thiên Chúa là Chúa của chúng ta và với tha nhân đang sống chung quanh mình.
Lý thuyết là như thế, song đi vào thực hiện thì không phải là dễ; Bởi vì theo bản tính tự nhiên của con người thì người ta hay thích cư xử theo cách ngược lại: “coi thường người khác và sẵn sàng “ăn thua đủ” với những ai có hành vi trái với ý mình”.
Một câu hỏi được đưa ra và lập tức có câu trả lời như sau: “Việc gì dể làm nhất trong cuộc sống của chúng ta? Thưa: Đó là việc làm tổn thương người khác.” Thật vậy, chỉ cần một câu nói, một cử chỉ lỗ mãng thôi cũng sẽ làm cho người khác đau lòng, Người xưa chẳng đã có câu: “Miếng ngon nhớ lâu, điều đau nhớ đời”, đó sao? Vì thế cho nên trong khi giao tiếp với người khác chúng ta cần phải hết sức ý tứ, tránh cho người đối diện bị tổn thương bằng những hành vi của mình. Nhất là trong lời ăn tiếng nói. Thánh Gia-cô-bê đã khen ngợi những người biết làm chủ miệng lưỡi của mình như sau: “Ai không vấp phạm về lời nói, ấy là người hoàn nảo, có khả năng kiềm chế bản thân.” (Gc 3,2) Tiền nhân cũng thường khuyên bảo con cháu mình là: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, hay: “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Như vậy, việc thận trọng trong giao tiếp là rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt là trong lời nói, nó đòi hỏi chúng ta phải chú ý và quyết tâm thực hiện.
Hãy lấy câu Phúc Âm sau đây làm kim chỉ nam cho đời sống của mình: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.” (Mt 7,12) Thực hiện triệt để được câu Kinh Thánh trên, chúng ta chẳng những đã xây dựng được những mối tương quan tốt đẹp đối với mọi người đang sống chung quanh mình mà chắc chắn sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa để rồi Ngài sẵn lòng tuôn đổ ân lành trên chúng ta.
0 Nhận xét